CẤY GHÉP IMPLANT, KIẾN THỨC NHA KHOA
Quy trình cấy ghép Implant
Giới thiệu chung
Cấy ghép Implant là một thủ thuật nha khoa hiện đại, thay thế chân răng bằng một loại trụ đặc biệt giống như ốc vít và làm bằng kim loại, cho phép thay thế răng bị hỏng hoặc đã mất bằng một loại răng giả có hình dáng và chức năng giống như thật.
Phẫu thuật cấy ghép Implant được xem là lựa chọn tối ưu cho những ai có nhu cầu làm răng giả nhưng lại thiếu mất chân răng tự nhiên hoặc chân răng không còn khả năng nâng đỡ hiệu quả phần răng giả hoặc cầu răng bên trên.
Sự thành công của một ca cấy ghép Implant phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó 2 vấn đề cốt lõi là loại trụ Implant và tình trạng xương hàm của bạn. Để cho phần răng giả bên trên được đính cố định và vững chãi lâu dài, phần chân răng cấy ghép bên dưới phải lành lặn, có sự hòa hợp tốt giữa trụ Implant, xương và nướu. Quá trình này có thể kéo dài nhiều tháng và đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả bác sĩ và bệnh nhân trong việc duy trì các quy tắc cần thiết, bao gồm cả vấn đề vệ sinh răng miệng.
Khi nào nên chọn giải pháp cấy ghép implant?
Nhìn chung, nếu bạn có sức khỏe bình thường (không bị các bệnh trầm trọng), nướu răng khỏe mạnh và có đủ xương trong hàm để cấy ghép Implant, thì phương pháp này có thể phù hợp với bạn. Nếu xương hàm đã bị teo lại hoặc phát triển không bình thường, có thể cần phải ghép xương để tạo xương mới. Thông thường, Bác sĩ tư vấn sau khi khám xong sẽ cho biết liệu có cần phải thực hiện ghép xương hay không.
Rủi ro
Mặc dù cấy ghép Implant mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời, cũng giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, phẫu thuật Implant có thể mang đến một số rủi ro cho sức khỏe. Tuy nhiên, các vấn đề này khá hiếm và khi xảy ra, chúng thường nhẹ và dễ điều trị. Các rủi ro này có thể là:
- Nhiễm trùng tại vị trí cấy ghép;
- Tổn thương cục bộ ở vùng kế cận như ở răng kế bên;
- Tổn thương dây thần kinh gây đau, tê hoặc ngứa ran ở răng, nướu, môi và cằm;
- Có thể ảnh hưởng đến xoang miệng nếu cấy ghép ở hàm trên gần hốc xoang
Cần phải chuẩn bị gì trước khi cấy ghép Implant?
Bởi vì cấy ghép Implant liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của Nha khoa (hàm và mặt, nướu và xương, thiết kế và lắp ráp răng, bệnh lý…) và trải qua nhiều quy trình phẫu thuật, việc đánh giá kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe chung và sức khỏe răng miệng là rất cần thiết và cực kỳ quan trọng. Quá trình này bao gồm:
- Khám răng toàn diện: Bác sĩ hoặc chuyên gia sẽ khám răng miệng một cách cẩn trọng, chụp X-quang nha khoa và ảnh 3D hàm và răng để xem xét liệu việc cấy ghép Implant có phù hợp với bạn hay không.
- Xem xét tình trạng sức khỏe chung: Bạn cần phải báo cho bác sĩ biết tình trạng sức khỏe và bất kỳ loại thuốc nào đang sử dụng, bao gồm cả thuốc theo toa và không theo toa. Nếu bạn mắc bệnh về tim mạch hoặc cấy ghép chỉnh hình, bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc kháng sinh trước khi phẫu thuật để ngừa bị nhiễm trùng.
- Kế hoạch điều trị: Tùy theo tình trạng răng miệng, bác sĩ sẽ lập ra kế hoạch điều trị tính đến các yếu tố như số lượng răng bạn cần thay thế, tình trạng xương hàm và các răng còn lại.
Để kiểm soát cơn đau, các lựa chọn gây mê trong quá trình phẫu thuật có thể bao gồm gây tê cục bộ, an thần hoặc gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn để đưa ra giải pháp phù hợp nhất. Ngoài ra, liên quan đến từng loại thuốc gây mê mà bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bạn cách ăn uống trước khi phẫu thuật.
Quy trình cấy ghép
Cấy ghép Implant là một dạng phẫu thuật ngoại trú, phải được thực hiện theo từng giai đoạn và cần có thời gian lành vết thương giữa các giai đoạn này. Nhìn chung, quá trình đặt Implant gồm các bước sau:
- Loại bỏ răng bị hỏng (nếu có);
- Chuẩn bị xương hàm và cấy ghép xương (nếu cần thiết);
Đặt trụ Implant => Tích hợp xương => Đặt trụ lành thương => Gắn mão răng
-
Đăt trụ Implant
Ở giai đoạn đầu của quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cẩn thận cắt nướu, khoang xương và đặt trụ Implant (hay chân Implant) vào xương hàm ở bên dưới mô nướu. Mô nướu sau đó sẽ được khâu lại vào vị trí cũ để chờ cho xương phát triển và liền xương.
Vì trụ Implant đóng vai trò như chân răng nên nó được cắm sâu vào bên trong xương hàm. Lúc này, phần răng bên trên vẫn còn trống. Để đảm bảo tính thẩm mỹ trong thời gian chờ đợi liền xương và lành vết thương, bác sĩ sẽ làm một răng giả tạm thời để tạo dáng cho hàm răng. Bạn có thể tháo hàm và vệ sinh trước khi đi ngủ.
-
Tích hợp xương
Quá trình này có thể mất vài tháng. Đây được xem là thời gian chờ đợi lâu và quan trọng nhất trong cả quá trình phẫu thuật. Sau khi đặt trụ Implant vào trong xương hàm, quá trình tích hợp xương bắt đầu. Trong đó, xương sẽ phát triển và hợp nhất với bề mặt của Implant nha khoa tạo cơ sở vững chắc cho răng giả (mão răng) bên trên về sau.
-
Đặt trụ lành thương
Sau khi vết thương lành và quá trình tích hợp xương hoàn tất (khoảng 4-6 tháng), bác sĩ sẽ tiếp tục phẫu thuật lần nữa để đặt trụ lành thương vào bên trong trụ Implant. Quá trình này cần 1-2 tuần cho mô nướu phát triển quanh trụ để đảm bảo tính thẩm mỹ cao cho phục hình (giống như răng thật). Trụ lành thương đóng vai trò như vật thay thế, được dùng để giữ chỗ cho abument sau này, vốn là cầu nối giữa trụ Implant (chân Implant) và mão răng bên trên.
Trong một vài trường hợp, nếu chất lượng xương tốt bác sĩ sẽ tiến hành đặt trụ lành thương ngay sau khi đặt trụ Implant ở giai đoạn đầu. Và do vậy, không cần phải có lần phẫu thuật thứ hai. Tuy nhiên, bởi vì trụ lành thương nhô ra khỏi bề mặt nướu và một số bệnh nhân không thích vẻ ngoài đó nên vẫn cần phải có một cuộc phẫu thuật tách biệt thứ hai.
-
Gắn răng giả (mão răng)
Khi nướu lành lại, cảm giác về chân răng Implant ở bên trong hàm trở nên thật hơn. Lúc này, xương hàm đã đủ khỏe mạnh để gắn mão răng.
Giai đoạn lựa chọn và gắn mão răng cũng tương tự như hình thức phục hình răng. Bạn có thể chọn răng giả tháo lắp, cố định hoặc kết hợp cả hai.
-
Cầu răng cố định
Trường hợp thay thế nhiều răng hoặc nguyên cả hàm, bác sĩ sẽ làm thêm một cầu răng cố định để neo vào trụ Implant. Cầu răng là một phương pháp phục hồi một hoặc nhiều răng bị mất bằng cách kéo dài ra những nơi không có răng. Cầu răng được giữ chặt bởi trụ Implant ở cả hai bên của răng bị mất.
Có thể thấy là phần lớn thời gian kéo dài là dành cho việc chờ đợi quá trình liền xương bên trong hàm. Tùy thuộc vào tình trạng thực tế và loại vật liệu được sử dụng, đôi khi bác sĩ có thể kết hợp một số bước.
Khi nào cần ghép xương?
Nếu xương hàm của bạn không đủ dày hoặc quá mềm, có thể phải cần ghép xương trước khi thực hiện phẫu thuật cấy ghép. Lý do là vì hoạt động ăn nhai bình thường của miệng luôn tạo ra một áp lực lớn lên xương, kết hợp thêm việc cấy ghép có thể làm cho xương bị quá tải. Ghép xương tạo ra cơ sở vững chắc hơn răng Implant.
Nguyên liệu ghép xương có thể từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ các vị trí khác trong cơ thể bạn hoặc từ nguồn nhân tạo. Và thời gian ghép để chờ cho xương mới phát triển cũng tốn thời gian. Do vậy, tùy theo tình trạng thực tế, bác sĩ sẽ thảo luận trực tiếp với bạn giải pháp phù hợp nhất. Đôi khi việc ghép xương nhẹ cũng có thể được thực hiện cùng lúc với quá trình phẫu thuật đặt trụ Implant, và việc này ít tốn thời gian hơn.
Sau phẫu thuật
Cho dù phẫu thuật trải qua một hay nhiều giai đoạn, bạn có thể phải trải qua một số khó chịu nhất định như bất cứ loại phẫu thuật nha khoa nào. Cụ thể:
- Chảy máu nhẹ
- Đau tại vị trí cấy ghép
- Nướu và mặt có thể sưng và thâm tím
Bác sĩ có thể cho toa thuốc giảm đau hoặc kháng sinh sau phẫu thuật cấy ghép. Nếu cảm thấy khó chịu và bất thường ngoài những vấn đề nêu trên, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ.
Ngoài ra, sau mỗi lần phẫu thuật bạn phải lưu ý chỉ ăn những loại thức ăn mềm trong khi chờ vết mổ lành lại. Bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho bạn.
Kết quả
Hầu hết các ca cấy ghép Implant đều thành công. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt khi xương không tích hợp đủ với kim loại vì nhiều lý do (ví dụ: hút thuốc), có thể cần phải cấy ghép lại. Bác sĩ sẽ lấy trụ Implant ra, vệ sinh và làm sạch xương. Sau khoảng 3 tháng có thể bắt đầu phẫu thuật cấy ghép trở lại.
Bạn có thể giữ cho răng Implant tồn tại lâu dài nếu tuân thủ đúng các yêu cầu về vệ sinh răng miệng. Bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho bạn trước và sau khi cấy ghép.
(Nha khoa ATS)